Học cách lắng nghe cảm xúc của bản thân
4 mins read

Lắng nghe cảm xúc của bản thân 🌟

Trong hành trình chữa lành của bản thân và coach cho các bạn, mình nhận ra rằng việc chúng ta nhận diện được ĐÚNG vấn đề là đã đóng góp 80% vào công cuộc giải quyết vấn đề đó rồi. Chính vì vậy mà mình rất chú trọng vào thực hành “mindfulness”, hay còn gọi là chánh niệm, và sử dụng chánh niệm làm nền tảng trong quá trình chữa lành, bởi khi chúng ta “mindful” thì việc nhận ra vấn đề sẽ dễ dàng hơn.

Nhận diện vấn đề dựa trên chánh niệm

Nhận diện đúng vấn đề chắc chắn là nói dễ hơn làm. Nó là 1 quá trình, không có hồi kết. Và càng ở nhận thức cao hơn, năng lượng cao hơn thì những điều chúng ta nhận diện được lại rất khác biệt.

Nói nôm na là nó giống như khi bạn đứng ở dưới chân núi, tầm nhìn của bạn chỉ đâu đó 1 khoảng ngang tầm mắt, và những thứ bạn nhìn thấy là khoảng nhìn đó. Nhưng khi lên tới đỉnh núi thì những điều bạn nhìn thấy là một góc nhìn khác, bao quát hơn, rộng lớn hơn rất nhiều.

Hoặc giống như việc bạn bị mụn nhọt ở trên da, nếu như vấn đề bạn nhận diện chỉ là chiếc mụn đó thì bạn sẽ tìm các loại thuốc bôi vào vết mụn cho nó xẹp đi. Nhưng khi bạn nhận diện vấn đề là do gan nóng hay thay đổi hoóc môn của cơ thể thì lúc đó cách để chữa trị cũng sẽ khác đi, đúng không?

Đấy là lí do vì sao mình nói rằng nhận diện được đúng vấn đề đã có thể giúp giải quyết tới 80% vấn đề rồi.

Các bước để lắng nghe và nhận diện cảm xúc

Và những người trẻ như chúng mình thường “lạc lối” cũng là bởi chúng ta nhận diện sai các vấn đề, từ đó tập trung vào giải pháp không hiệu quả và lãng phí nguồn lực. Chúng ta có thể tiêu nhiều tiền vào thuốc giảm cân thay vì chú trọng vào lối sống lành mạnh. Chúng ta tìm cách níu kéo người cũ thay vì tập trung vào bản thân. Chúng ta đánh đổi thời gian cho những điều không thực sự cần thiết, etc.

Những người trẻ như chúng mình thường “lạc lối” cũng là bởi chúng ta nhận diện sai các vấn đề, từ đó tập trung vào giải pháp không hiệu quả và lãng phí nguồn lực.

Nhận diện vấn đề có thể chỉ là bắt đầu từ một thực hành rất đơn giản đó là nhận diện được cảm xúc và niềm tin giới hạn của bản thân. Đây cũng là một trong những thực hành mình thực hiện liên tục.

Ví dụ như ngày hôm qua mình gặp 1 cảm xúc rất khó chịu mà không thể nào cắt nghĩa hay giải quyết nếu như chỉ để trong đầu. Vậy là mình đã làm những việc sau:

1/ Viết xuống những cảm xúc

Mình đã ngồi xuống và viết tất cả những suy nghĩ và cảm xúc đang có tại thời điểm đó. Lúc này là lúc để mọi cảm xúc và nhu cầu được bộc lộ ra. Kể cả viết ra những câu chửi thề hay mọi từ ngữ cần thiết để diễn tả cảm xúc. Bởi chỉ bằng cách đó thì cảm xúc của mình mới được bộc lộ hoàn toàn, không còn giấu diếm nữa. Việc viết thực sự là giúp ích rất nhiều, nó giống như có ai đó đang lắng nghe mình mà không khuyên bảo, thêm bớt hay phán xét.

2/ Tự vấn bản thân

Sau khi đã viết hết xuống các cảm xúc thì mình tự hỏi điều gì đã tạo ra những cảm xúc này? Những niềm tin hay suy nghĩ nào đằng sau những cảm xúc này? Mình viết ra được 1 danh sách 5-6 niềm tin tạo ra những cảm xúc này. Lúc này mặc dù mình có thể phân tích và nhận diện ra được những niềm tin gốc rễ, nhưng đâu đó những suy nghĩ này vẫn xuất phát từ bộ não, mình biết nó chưa thể giúp mình hoàn toàn giải quyết được vấn đề gốc rễ nhất.

breath text on green leaves

3/ Lắng nghe bản thân

Tới bước này thì thực chất là mình đã vơi đi những cảm xúc khó chịu rất rất nhiều rồi. Nhưng sự ngổn ngang vẫn ở đó. Đây là lúc mình cần lắng nghe sâu hơn và kĩ hơn những nhu cầu của bản thân. Và đây cũng là lúc thực hành chánh niệm sâu sắc nè. Đây là lúc để kết nối với trái tim.

Mình nhắm mắt lại và tự hỏi bản thân, bài học gì mình cần học trong trường hợp này, trải nghiệm này có ý nghĩa như thế nào với mình? Và mình đã lắng nghe được 1 tiếng nói như từ trong tâm vọng lại, nó chính là câu trả lời mình cần. Giây phút lắng nghe được tiếng nói đó, tự nhiên mọi cảm xúc và nút thắt trong lòng nhưng được gỡ bỏ, vô cùng nhẹ nhàng. Cảm giác đó là cảm giác khi nhận thức được rộng mở và trái tim được kết nối.

4/ Giải quyết vấn đề

Khi mình đã nhận diện được niềm tin nào gây ra cho mình những cảm xúc đó thì tiếp theo là dùng kĩ thuật để chuyển hóa nó trở thành 1 niềm tin mới, 1 thực hành mới để giúp mình giải quyết vấn đề và có cái nhìn đúng đắn hơn.

Chỉ có vài bước nghe rất đơn giản như vậy nhưng cũng không dễ để thực hiện nếu như mình không đủ “mindful”. Quá trình này thực sự rất có giá trị mỗi lần mình gặp phải những cảm xúc khó khăn.

Đây chỉ là 1 kĩ thuật rất nhỏ trong tất cả những điều mà mình hướng dẫn các bạn khách hang để kết nối với bản thân tốt hơn. Những sự hướng dẫn này sẽ giúp bạn có những nhận thức mới, năng lượng mới để không còn mắc kẹt trong những băn khoăn và vòng luẩn quẩn của bản thân. Mình biết những điều này có giá trị như thế nào bởi nó không chỉ giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn, nó còn giúp bạn tiết kiệm hàng năm trời thời gian cho sự lạc lối đó.

© Copyright 2024 by Quinn Ta.